Theo các chuyên gia y tế, rối loạn giấc ngủ kéo theo nhiều hệ lụy sức khỏe và tình trạng mắc chứng này ngày càng tăng trong cộng đồng.
Ngáy như sấm!
Anh T.T.T (37 tuổi, ngụ TP HCM), một kỹ sư công nghệ thông tin, đang “đau khổ” vì chứng ngáy to của mình. Lúc trước khi mới tốt nghiệp ĐH, anh T. không có trọng lượng “quá cỡ” (85 kg) như bây giờ. Ngoài chứng ngưng thở xen kẽ trong lúc ngủ, dạo này anh cảm thấy giảm trí nhớ, thường gặp ác mộng và khó tập trung công việc. Anh T. được các bác sĩ chẩn đoán bị chứng rối loạn giấc ngủ, ngưng thở lúc ngủ mức độ nặng, dẫn đến nồng độ ôxy trong máu bị giảm khi ngủ là nguyên nhân kéo theo những hệ lụy trên. “Nặng nề hơn, gần đây do không chịu nổi “tiếng ồn” nên bà xã bắt tôi phải ngủ riêng” - anh T. rầu rĩ.
Ghi nhận cho thấy tại các cơ sở y tế, số người đến khám liên quan giấc ngủ ngày càng tăng. Chỉ riêng tại Bệnh viện Chợ Rẫy, nghiên cứu trên số bệnh nhân đến khám vì ngáy và rối loạn giấc ngủ, đã có hơn 80% mắc hội chứng ngưng thở lúc ngủ tắc nghẽn, tần suất ở 2 giới tương tự nhau. Tại Trung tâm Chăm sóc sức khỏe cộng đồng TP HCM (CHAC), trung bình mỗi tháng tiếp nhận hơn 200 lượt bệnh nhân đến khám vì rối loạn giấc ngủ. Theo ThS-BS Trần Thị Kim Thu, Giám đốc CHAC, thường gặp nhất là mất ngủ, ngáy và hội chứng ngưng thở khi ngủ.
Theo thống kê, có đến 4% dân số châu Á chịu ảnh hưởng của bệnh rối loạn giấc ngủ, trong khi tại Việt Nam chưa có con số thống kê chính thức. Tại TP HCM, khảo sát gần đây trên 800 người cũng cho thấy có 20% người mất ngủ. BS Nguyễn Xuân Bích Huyên, Trưởng Phòng Chăm sóc giấc ngủ CHAC, cho biết áp lực lớn của lối sống hiện đại, những lo toan mưu sinh khiến con người căng thẳng quá mức dẫn đến rối loạn giấc ngủ gia tăng.
Tiềm ẩn bệnh tật
Các chuyên gia y tế cho biết rối loạn giấc ngủ không trừ bất kỳ đối tượng nào, từ lao động trí óc đến chân tay, từ nhà quản lý, doanh nhân đến giới kỹ sư, tài xế… Tuy nhiên, phổ biến nhiều nhất là ở người trung niên, độ tuổi từ 40-60. Theo BS Nguyễn Xuân Bích Huyên, ngoài rối loạn giấc ngủ, ngủ ngáy, còn nhiều trường hợp mắc chứng ngủ rũ - nghĩa là chứng buồn ngủ ngày, rất hay ngủ gật, ngủ li bì ở mọi nơi, mọi lúc.
Theo Hội Hô hấp TP HCM, rối loạn giấc ngủ, mất ngủ kéo dài làm suy giảm trí nhớ, khó tập trung, giảm sút khả năng lao động và giảm chất lượng cuộc sống. Ngoài ra còn làm gia tăng các vấn đề về sức khỏe, nguy cơ phát sinh một số bệnh hoặc làm nặng thêm bệnh đang mắc.
Các chuyên gia cảnh báo nếu không được chẩn đoán và điều trị sớm hội chứng ngưng thở lúc ngủ sẽ góp phần gây ra những biến cố cho sức khỏe như bệnh tim mạch, huyết áp, đột tử trong đêm… Tùy theo nguyên nhân của rối loạn giấc ngủ mà có biện pháp điều trị thích hợp như giảm cân, thay đổi lối sống, phẫu thuật hoặc dùng thuốc, hỗ trợ bằng thở máy khi ngủ... Hiện nay, cách điều trị là dùng máy đa ký giấc ngủ để ghi lại toàn bộ những dấu hiệu bất thường trong giấc ngủ. Qua đó, các bác sĩ phân tích bệnh trạng để điều trị kịp thời.
ThS-BS Phan Hữu Phước, Giám đốc Phòng khám Lão khoa Med-Vie TP HCM, khuyên: Để có giấc ngủ ngon, nên tập thể dục, thể thao vào buổi sáng; biết cân bằng giữa lao động trí óc, lao động tay chân kết hợp thư giãn, giải trí; cần chủ động thư giãn cơ thể khi nằm, không suy nghĩ lan man, quên đi những lo toan, tập thở đúng nhịp hoặc tập đếm số để gây ức chế ở vỏ não…
0 nhận xét:
Đăng nhận xét