Được gặp và trò chuyện cùng thầy Phan Hữu Tùng, chúng tôi cảm thấy gần gũi bởi sự mộc mạc, chân chất của một người hiệu trưởng vừa qua tuổi 40 tại làng quê nghèo. Câu chuyện bắt đầu đầu từ cách đây hơn 10 năm. Đó là vào năm 2001, thầy Tùng được bổ nhiệm làm hiệu trưởng Tiểu học Phú Sơn (thị xã Hương Thủy) - một trường ở vùng cao. Thời kỳ đó, vi tính và công nghệ thông tin mới bắt đầu “thành hình” tại Huế. Vốn bản tính rất đam mê công nghệ, thầy Tùng nghiên cứu tất cả tài liệu, sách, báo…. tất tần tật liên quan đến 2 chữ “Tin học”.
Năm 2003, trường được cấp 1 máy vi tính. Ngoài thời gian làm việc, thầy Tùng chăm chú vào chiếc máy tính duy nhất để tự học. Kiến thức đọc được ở ngoài, thầy thực hành lại trên máy. Phòng Giáo dục Hương Thủy cho trường mở một lớp để phổ cập kiến thức tin học cho giáo viên trong trường, thì thầy Tùng là người “trợ giảng” cho 1 giảng viên đến từ ĐH Khoa học Huế do đã khá vững về công nghệ thông tin.
Đến lúc đi thi chứng chỉ B Tin học toàn trường, thầy Tùng cũng là người đầu tiên xung phong “lãnh ấn” nhiệm vụ và đạt kết quả tốt. Chương trình tập huấn của Microsoft chỉ cho Hiệu phó đi, thầy Tùng buồn lắm nhưng đành chịu. Sau người hiệu phó học về, thầy bèn mượn tài liệu đó rồi hỏi lại, ngồi xem kỹ và học, thực hành để biết thêm kiến thức “ngoại” nhằm bồi bổ cho bản thân.
Thầy Phan Hữu Tùng rất thích tin học và đã dành nhiều thời gian tự nghiên cứu "niềm yêu thích" của mình
“Cái khó là ứng dụng vào công việc những điều mình học được. Mình bắt đầu viết các hướng triển khai về phần mềm trên nền Excel năm 2008 khi vẫn còn dạy ở Phú Sơn. Mình thấy từ hình ảnh người nhập điểm là văn thư trường, mỗi lần thi học kỳ xong là rất vất vả. Vì không có phần mềm, ai tự làm nấy theo kiểu thủ công. Từng giáo viên phụ trách lớp phải làm một bản gửi lên, rồi văn thư tổng hợp lại, rồi đưa lại cho giáo viên rất mất thời gian. Sau khi gửi các file điểm cho trường thì trường phải tổng hợp đến sau 3 ngày mới có kết quả. Từ đó thúc giục mình làm phần mềm quản lý điểm.
Chủ yếu dựa trên nền công thức của Excel để xếp loại, sau đó dùng công thức hàm nhóm để tổng hợp theo từng lớp, từng học sinh. Từ đó, mỗi học sinh được quản lý rất kỹ về các mặt như điểm, lý lịch, chỗ ở, xếp hạng học tập, hạnh kiểm… và công bố lên trên mạng cho phụ huynh có thể lên xem điểm cùng nhiều thứ khác về con mình ngay sau điểm thi vừa có” - thầy Tùng tâm sự.
Chương trình quản lý học sinh - quản lý điểm Tiểu học của thầy Phan Hữu Tùng.
Đạt kết quả mong muốn
Khi có phần mềm, các công việc khác cũng đỡ nhọc nhằn hơn cho toàn giáo viên trong trường. Toàn bộ giấy điểm học sinh được in ra cho mọi người chứ không cần phải thủ công nhập nhập nhiều khâu. Bảng xếp hạng lớp cũng được trao tận tay giáo viên. Phần kết xuất cuối cùng của trường khi gửi lên Phòng Giáo dục rất nhanh và chính xác đến 100%.
Làm từ năm 2008 đến 2011 thì phần mềm hoàn chỉnh. Nhiều trường ở địa bàn đã xin phần mềm của thầy Tùng về áp dụng và hiệu quả rất đáng mừng: nơi nào dùng cũng cho phản hồi tốt. Nhiều email kèm thư đã gửi đến cảm ơn thầy Tùng và xin chỉ thêm các kinh nghiệm riêng cho trường - vì số lượng lớp, học sinh, cách tổ chức mỗi trường đều khác. Và thầy Tùng rất vui vẻ, hướng dẫn, làm phần mềm cho trường bạn. Toàn bộ đều là miễn phí, không có một chút thù lao đòi hỏi nào.
Ngoài phần mềm quản lý điểm, thầy Tùng còn làm một sản phẩm khác khó hơn là phần mềm phổ cập. “Lúc ở Phú Sơn, mình phải lo chịu nhiệm vụ phổ cập cấp 2. Sau khi đi thống kê về, viết số liệu vào giấy, rồi thống kê theo tính toán để xem địa phương đó đạt chuẩn thế nào, rất dễ sai sót và mệt. Mình nghĩ ra nếu có phần mềm, nhập số liệu vào thì máy sẽ thống kê toàn bộ. Cái này làm rất khó vì phải vận dụng thuật toán Visual Basic vào nữa. Tìm trên mạng, mày mò mấy chục lần mới ra” - thầy Tùng tâm sự.
Phần mềm xử lý số liệu phổ cập GD THCS đòi hỏi sự kiên trì lâu và rất nhiều lần sửa sai trước khi thành bản hoàn chỉnh.
Nhưng với sự kiên trì, mày mò, đến nay, phần mềm phổ cập đã được ứng dụng tại Phòng Giáo dục & đào tạo Thị xã Hương Thủy và cũng miễn phí hoàn toàn. Thầy Tùng đã được Phòng giao nhiệm vụ đứng ra tập huấn cho nhiều cán bộ giáo dục tại đây để biết cách sử dụng phần mềm này.
Đến nay, tuy là hiệu trưởng nhưng bằng khen của thầy khá nhiều. Có thể kể đến như: Bằng khen của chủ tịch tỉnh Thừa Thiên - Huế tặng cá nhân thầy vì đã đạt thành tích xuất sắc trong công tác phổ cập giáo dục THCS và tiểu học đúng độ tuổi giai đoạn 2004-1009; Giấy khen của Chủ tịch thị xã Hương Thủy tặng vì đạt thành tích xuất sắc trong phổ cập giáo dục 2011…
Đặc biệt, qua 2 giải của Sở GD-ĐT gồm: Giải nhất Hội thi thiết bị dạy học tự làm cấp tỉnh lần thứ VI năm học 2011-2011 với sản phẩm “Bảng hình thành kiến thức và bảng nhân”; Giải Nhì Hội thi thiết bị dạy học tự làm năm 2007-2008, thiết bị “Bảng quy đổi đơn vị đo” có một chi tiết khá thú vị là, trong 2 bằng khen này đều ghi chức danh của thầy Tùng là “giáo viên” - nghĩa là hội thi chỉ giáo viên mới tham gia. Nhưng vì lòng yêu nghề nên một hiệu trưởng như thầy Tùng đã ghi tên đi dự thi như các giáo viên khác.
Tính ứng dụng sản phẩm cao
“Mình làm mấy phần mềm đó với mong muốn được chia sẻ cho mọi người, đặc biệt là các nhân viên, cán bộ trong trường học vì mình hiểu họ rất khổ sở mỗi lúc làm việc với điểm, quản lý. Nếu ai thấy thích và muốn mình làm thì mình sẽ sẵn sàng giúp đỡ” - thầy Tùng chia sẻ.
Nụ cười hiền hậu của thầy hiệu trưởng đam mê tin học.
Theo ThS. Nguyễn Minh Quang - Phó Phòng GD-ĐT Thị xã Hương Thủy: “Thầy Tùng tuy không phải chuyên gia tin học, lại bận việc hành chính vì làm hiệu trưởng nhưng đã tự mày mò sáng tạo rất đáng khen. Tính ứng dụng phần mềm của thầy Tùng rất tốt. Hiện Phòng đang áp dụng phần mềm của thầy Tùng, phần mềm này không thua chi các phần mềm trong lĩnh vực phổ cập giáo dục. Chúng tôi rất trân trọng thầy, vì ngay cả góc độ kinh tế, làm mệt đến thế nhưng ai xin cũng chia sẻ hết chứ không có vụ lợi chi cả”.
>>
xem thêm mục ẩm thực: phở
cuốn - món ngon mỗi ngày
0 nhận xét:
Đăng nhận xét